Truyền máu bất đồng nhóm máu ABO có thể dẫn tới tán huyết trong lòng mạch, suy thận thậm chí tử vong. Tương tự, cấy ghép tạng không phù hợp nhóm máu ABO có thể gây ra thải ghép. Do vậy, việc xác định nhóm máu hệ ABO là vô cùng quan trọng.
Đặc điểm của nhóm máu hệ ABO
Hệ nhóm máu ABO gồm 4 kiểu hình chính: A, B, AB và O. Kiểu hình nhóm máu được xác định bởi sự có mặt hoặc không có mặt của 2 kháng nguyên A và B trên bề mặt hồng cầu và sự xuất hiện hoặc không xuất hiện kháng thể A và kháng thể B trong huyết thanh.
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Bảng. Đặc điểm của các nhóm máu chính hệ ABO
Ngoài bốn nhóm máu chính, năm 1911 Von Dungerm và Hirszfeld đã phát hiện nhóm máu A gồm có hai loại khác nhau là nhóm A1 và A2. Nhóm máu A2 thường gặp hơn ở người Châu Âu (20%), trong số những người có nhóm máu A2 thì có khoảng 1 - 8 % là có kháng thể tự nhiên chống lại hồng cầu A1 và khoảng 35% người có nhóm A2B có kháng thể tự nhiên chống lại hồng cầu A1. Cho đến nay người ta đã phát hiện được khá nhiều trường hợp dưới nhóm của nhóm A và nhóm B.
Định nhóm máu hệ ABO
Nguyên lý xác định
- Phương pháp huyết thanh mẫu: Dùng huyết thanh đã biết trước kháng thể, cho phản ứng với hồng cầu của bệnh nhân để xác định kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu, từ đó xác định nhóm máu của bệnh nhân.
- Phương pháp hồng cầu mẫu: Dùng hồng cầu đã biết trước kháng nguyên cho phản ứng với huyết thanh của bệnh nhân để xác định kháng thể trong huyết thanh, từ đó xác định nhóm máu của bệnh nhân.
Kĩ thuật định nhóm
Nhóm máu hệ ABO có thể xác định bằng 3 kĩ thuật:
+ Định nhóm máu trên giấy, phiến đá.
+ Định nhóm máu trên ống nghiệm.
+ Định nhóm máu trên gelcard.
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Nhận định kết quả
Nhóm máu của bệnh nhân được khẳng định khi có sự đồng nhất kết quả của cả 2 phương pháp hồng cầu mẫu và huyết thanh mẫu, trừ một số trường hợp đặc biệt như: định nhóm máu ABO của trẻ sơ sinh và thai nhi chỉ thực hiện định nhóm máu bằng phương pháp huyết thanh mẫu, không định nhóm máu bằng phương pháp hồng cầu mẫu.
Một số nguyên nhân gây bất đồng kết quả 2 phương pháp hồng cầu mẫu và huyết thanh mẫu:
- Bất đồng nhóm máu liên quan đến hồng cầu bệnh nhân:
+ Biểu hiện kháng nguyên hệ ABO yếu trên bề mặt hồng cầu: dưới nhóm máu ABO do di truyền, lơ-xê-mi và một số bệnh lý ác tính khác.
+ Truyền máu, ghép tủy khác nhóm (ví dụ như ghép nhóm O cho nhóm A).
+ Hồng cầu tự ngưng kết do xuất hiện kháng thể trên bề mặt hồng cầu, truyền dung dịch cao phân tử hoặc tăng bất thường nồng độ protein trong huyết thanh.
- Bất đồng nhóm máu liên quan đến huyết thanh bệnh nhân:
+ Huyết tương có sợi fibrin.
+ Kháng thể yếu ở trẻ dưới 6 tháng.
+ Kháng thể lạnh (IgM), kháng thể tự miễn (anti I) trong huyết thanh phản ứng với hồng cầu bệnh nhân.
+ Truyền chế phẩm máu chứa huyết tương khác nhóm với bệnh nhân (truyền tiểu cầu nhóm O cho bệnh nhân nhóm máu A).
+ Bệnh nhân mới được truyền tĩnh mạch globulin miễn dịch.
- Do kĩ thuật thực hiện:
+ Nhầm mẫu bệnh nhân.
+ Nồng độ dịch treo hồng cầu không đúng (quá cao hoặc quá thấp).
+ Nhỏ sai hóa chất.
+ Sử dụng lực li tâm quá mạnh hoặc quá nhẹ.
+ Ghi nhầm kết quả của từng phương pháp.
Khi có sự không phù hợp giữa 2 phương pháp hồng cầu mẫu và huyết thanh mẫu, tiến hành kiểm tra lại các bước trong kĩ thuật định nhóm máu. Trong trường hợp kết quả không thay đổi, đưa vào trường hợp nhóm máu khó. Tiến hành thực hiện 3 chứng sau đây nhằm định hướng nguyên nhân nằm ở huyết thanh bệnh nhân, hồng cầu bệnh nhân hay cả hồng cầu và huyết thanh bệnh nhân.
+ Chứng AB: Huyết thanh của người nhóm máu AB với hồng cầu bệnh nhân.
+ Chứng đồng loài: Huyết thanh của bệnh nhân với hồng cầu O.
+ Chứng tự thân: Hồng cầu bệnh nhân và huyết thanh bệnh nhân.
Dựa vào kết quả 3 chứng có thể thực hiện các phương pháp khắc phục tương ứng.
___
Theo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội