Điều trị chắp và lẹo mắt theo Y học cổ truyền

Điều trị chắp và lẹo mắt theo Y học cổ truyền

Chắp lẹo mắt là gì?

Chắp mắt và lẹo mắt là tình trạng phù nề, đau nhức ở mi mắt, có thể nổi một cục nhỏ trông giống mụn thường chứa mủ, điều này khiến bạn khó chịu khi nhìn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.

Triệu chứng chính:

+ Xuất hiện cục giống như mụn ở vùng quanh mi mắt;

+ Đau vùng mí mắt bị bệnh và cảm giác khó chịu ở mắt;

+ Sưng vùng mắt có chắp lẹo;

+ Chảy nước mắt.

Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi bằng cách tự chăm sóc tại nhà với một số phương pháp được gợi ý như: Đắp khăn ấm lên mí mắt 5 - 10 phút mỗi lần, có thể làm nhiều lần trong ngày, nhỏ nước muối sinh lý 3 - 6 lần/ngày và luôn giữ sạch vùng mắt.

Các trường hợp nên đến gặp bác sĩ:

+ Các triệu chứng không cải thiện sau 48 giờ;

+ Đỏ và sưng liên quan đến toàn bộ mí mắt hoặc kéo dài sang má hoặc các bộ phận khác trên khuôn mặt của bạn;

+ Chắp lẹo tái phát nhiều lần (nên đi khám sớm).

Phòng bệnh

- Giữ sạch vùng mắt: không nên đưa tay dụi mắt, rửa tay sạch trước khi vệ sinh vùng mắt.

- Đối với người hay trang điểm cần phải tẩy trang vùng mắt sạch sẽ hàng ngày.

- Đeo mắt kính bảo vệ khi đi đường, đặc biệt đối với người hay lao động hoặc di chuyển qua vùng ô nhiễm, khói bụi.

Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Điều trị bằng Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, chắp lẹo mắt được mô tả trong phạm vi chứng Nhãn đơn, Thổ dương, Thổ cam, Thâu châm.

Có nhiều phương pháp trong Y học cổ truyền điều trị chắp lẹo mắt:

Giai đoạn viêm:

- Chích nặn máu bằng kim tam lăng hoặc kim tiêm vô khuẩn huyệt Phế du  Nhĩ tiêm ngày 01 lần cho đến khi hết triệu chứng (1 liệu trình tối đa 10 ngày). Phương pháp đạt hiệu quả tốt nhất là thực hiện lần đầu trong 48h khi phát hiện triệu chứng.

- Giác hơi 01 lần/ngày: thường phối hợp với chích nặn máu tại huyệt Phế du.

- Điện châm 01 lần/ngày các huyệt: Phế du, tình minh, ty trúc không, thái dương, thừa khấp, phong trì, hợp cốc,…

- Giai đoạn viêm nhiễm dùng các vị thuốc như: thổ phục linh, ké, bồ công anh, kinh giới, liên kiều, xích thược,…

Giai đoạn hóa mủ:

- Khám chuyên khoa Mắt.

- Có thể phối hợp điều trị các phương pháp không dùng thuốc Y học cổ truyền như: Chích lể, giác hơi, điện châm.

- Dùng các vị thuốc dùng như: Bối mẫu, Tạo giác thích, Hoàng kỳ, Đảng sâm, Trần bì, Xuyên sơn giáp,…

Lưu ý: Các phương pháp điều trị theo Y học cổ truyền cần được thực hiện bởi thầy thuốc có chuyên môn, người bệnh không nên tự ý thực hiện tại nhà.

___ 

Theo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN