Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non

Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non

Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non

bong võng mạc ở trẻ đẻ non

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non được biết đến là một trong những nguyên nhân gây mù lòa chính ở trẻ. Nếu không được khám và phát hiện, điều trị kịp thời, trẻ có thể sẽ bị mù vĩnh viễn.

Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non là gì?

Vào tuần thứ 16 của thai kỳ, lớp trong cùng phía sau của mắt, gọi là võng mạc bắt đầu hình thành các mạch máu để cung cấp dưỡng chất và Oxy cho mắt. Theo thời gian, hệ thống mạch máu này dần dần phát triển ra phía trước, rồi phủ kín toàn bộ bề mặt của võng mạc. Quá trình này thường kết thúc vào cuối thai kỳ, khoảng tuần thứ 35.

Ở trẻ sinh non, quá trình phát triển của những mạch máu này có thể bị cản trở. Sau khi cháu bé được sinh ra, nếu các mạch máu tiếp tục quá trình phát triển bình thường thì trẻ không mắc bệnh. Nếu các mạch máu phát triển một cách bất thường trẻ sẽ mắc bệnh. Trường hợp này gọi là bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (retinopathy of prematurity – ROP).

Những giai đoạn tiến triển của bệnh lý võng mạc ở trẻ đẻ non

Giai đoạn 1: Có một ranh giới mỏng ngăn cách giữa khu vực đã hình thành các mạch máu và khu vực mà các mạch máu chưa phát triển. Ở giai đoạn này, những mạch máu vẫn có thể tự chúng phát triển bình thường nhưng tiến triển của bệnh cần được tiếp tục theo dõi.

Giai đoạn 2: Ranh giới giữa hai khu vực (có và không có mạch máu) rộng ra và dày lên thành một cái gờ. Giai đoạn này bệnh vẫn có thể tự lành, nhưng cũng có thể bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn 3.

Giai đoạn 3: Những mạch máu mới bắt đầu phát triển dọc theo gờ và lan vào khối chất lỏng vốn trong suốt ở phần sau của mắt gọi là pha lê thể. Những mạch máu này có thể chảy máu (xuất huyết) và hình thành nên các sẹo.

Giai đoạn 4A: Các mạch máu bất thường và mô sẹo sẽ làm co kéo võng mạc, dẫn đến bong võng mạc khu trú. Ở giai đoạn này, vùng hoàng điểm, nơi chịu trách nhiệm cho thị lực trung tâm chưa bị ảnh hưởng.

Giai đoạn 4B: Võng mạc vẫn chỉ tổn thương ở mức độ bong khu trú, nhưng hoàng điểm đã bị ảnh hưởng làm suy giảm cả thị lực trung tâm lẫn chu biên ở mức độ nào đó.

Giai đoạn 5 ROP: Bong võng mạc hoàn toàn, làm giảm thị lực trầm trọng.

Nguyên nhân khiến trẻ sinh non mắc bệnh lý võng mạc

Thông thường, mắt của trẻ sẽ bắt đầu phát triển từ tuần thứ 16 của thai kỳ, được đánh dấu bằng sự xuất hiện của các mạch máu võng mạc ở dây thần kinh thị giác phía mặt sau của mắt. Các mạch máu võng mạc dần phát triển tiến về phía cạnh của võng mạc, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cạnh võng mạc.

Quá trình phát triển này diễn ra nhanh hơn ở 12 tuần cuối của thai kỳ. Trẻ sinh non chưa đủ tháng khiến quá trình phát triển của mạch máu võng mạc bị gián đoạn, các mạch máu chưa tiếp cận được các cạnh võng mạc. Võng mạc chưa phát triển hoàn thiện, không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng dẫn đến khả năng mắc bệnh lý võng mạc.

Trẻ càng sinh non càng có nguy cơ mắc bệnh lý võng mạc cao. Các đối tượng cần được kiểm tra và theo dõi bệnh võng mạc ở trẻ sinh non bao gồm:

– Trẻ sinh non dưới 31 tuần

– Trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 1,5kg

– Trẻ có cân nặng lúc sinh từ 1,5kg – 2kg và là trường hợp đa thai

– Trẻ có cân nặng lúc sinh từ 1,5kg – 2kg nhưng bị các bệnh lý kèm theo như: bị ngạt khi sinh hay phải thở oxy kéo dài, thở oxy nồng độ cao, hoặc có bệnh màng bong, viêm phế quản phổi, thiếu máu cũng cần được khám mắt.

Nên khám khi nào để phát hiện bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non

Lần khám mắt đầu tiên khi trẻ được 3 – 4 tuần sau sinh, hoặc trẻ ≥ 31 tuần tuổi.

Ngay khi cháu còn nằm điều trị trong khoa sơ sinh và cả khi cháu đã được về nhà.

Khám lại 2 tuần một lần cho tới khi bé được 40 – 42 tuần tuổi (tính từ ngày thụ thai).

Hoặc tới khi các mạch máu ở võng mạc phát triển một cách đầy đủ.

Giai đoạn nặng hơn thì cháu bé có thể sẽ phải được khám lại sau 1 tuần thậm chí sau 2 – 3 ngày, có khi cần phải điều trị ngay.

Một số lưu ý cần nhớ khi tiến hành khám võng mạc cho trẻ

Đối với những trường hợp trẻ được khám lần đầu tiên và chẩn đoán đang bị bệnh võng mạc ở giai đoạn nhẹ (giai đoạn 1, 2) thì đa phần đều sẽ được bác sĩ hẹn lịch tái khám lần tiếp theo. Việc tiến hành tái khám lần tiếp theo sẽ giúp bác sĩ đánh giá lại bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh đã dừng lại chưa hay vẫn con tiếp tục phát triển.

Do đó, việc thực hiện theo đúng lịch hẹn tái khám của bác sĩ là vô cùng cần thiết mà cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua. Bởi bác sĩ có thể dựa vào tình hình sức khỏe hiện tại của bé để đánh giá lại tổng quan bệnh trạng.

Nếu sau khi tái khám bác sĩ chỉ định tình trạng mắt của bé ổn định, không có tiến triển gì thêm thì cha mẹ cũng có thể an tâm hơn. Khi bé lớn bé có thể sẽ mắc phải một số khuyết điểm như bị cận thị, bị lé… Tuy nhiên, cha mẹ có thể an tâm vì những trường hợp này bác sĩ mắt sẽ điều chỉnh cho bé khi bé được 1 tuổi, 2 tuổi.

Đối với những bé bị bệnh võng mạc mắt không đồng đều, tức là một bên nặng một bên nhẹ thì các bác sĩ có thể chỉ cần tiến hành phẫu thuật mắt cho trẻ ở bên phía mắt nặng và bên nhẹ có thể sử dụng các thiết bị chuyên dụng về mắt mà không cần thiết phải thực hiện phẫu thuật.

Riêng với những trường hợp bé bị bệnh võng mạc cả 2 bên thì cha mẹ cần phải hết sức lưu ý đến mức độ bệnh để xem bé đã giai đoạn cần phải phẫu thuật chưa hay vẫn có thể áp dụng điều trị bằng nội khoa.

Phòng ngừa bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh thế nào?

Đối với những trẻ được sinh ra thiếu tháng, cân nặng bé dưới 2,5kg thì cha mẹ cần lưu ý, sau khi bé được sinh ra được 3 tuần hay 4 tuần tuổi thì nên chủ động đưa bé đến tại bệnh viện có chuyên khoa về mắt để được thăm khám chính xác.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thai phụ cần chú ý chăm sóc bản thân để tránh sinh non. Thăm khám thai sản định kỳ để giúp ngăn chặn sinh non.

Điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Phương pháp điều trị đã được chứng minh hiệu quả nhất cho bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là điều trị bằng laser hoặc lạnh đông Laser trị liệu “phá hủy” ngoại vi của võng mạc, nơi không có mạch máu bình thường.

Với phẫu đông lạnh, các bác sĩ sử dụng một công cụ làm đóng băng các điểm trên bề mặt của mắt nằm ở vùng ngoại vi võng mạc. Cả điều trị bằng laser và lạnh đông đều phá hủy các khu vực ngoại vi của võng mạc, làm chậm hoặc đảo ngược sự tăng trưởng bất thường của mạch máu.

Thật không may, các phương pháp điều trị cũng tiêu diệt một số vùng thị lực bên cạnh. Điều này được thực hiện để cứu lấy phần quan trọng nhất của thị lực là thị lực trung tâm sắc nét mà chúng ta cần để nhìn tập trung như đọc sách, khâu vá và lái xe.

Cả điều trị laser và lạnh đông đều chỉ được thực hiện trên trẻ sơ sinh bị bệnh võng mạc tiến triển, đặc biệt là giai đoạn III. Cả hai phương pháp điều trị đều là phẫu thuật xâm lấn vào mắt và các bác sĩ không biết các tác dụng phụ lâu dài của mỗi phương pháp.

Trong bệnh võng mạc ở trẻ sinh non gia đoạn sau, phương pháp điều trị khác bao gồm:

Khóa củng mạc

Bác sĩ sẽ đặt một miếng silicone quanh mắt và dán chặt nó, điều này giữ cho dịch thủy tinh không làm bong các mô sẹo và cho phép võng mạc bằng phẳng lại lên thành sau của mắt. Trẻ sơ sinh áp dụng phương pháp này cần phải thay bỏ miếng silicone sau nhiều tháng hoặc nhiều năm vì mắt tiếp tục phát triển, nếu không trẻ sẽ bị cận thị. Khóa củng mạc thường được thực hiện ở trẻ sơ sinh giai đoạn IV hoặc V.

Phẫu thuật dịch kính võng mạc

Bác sĩ sẽ loại bỏ thủy dịch trong mắt và thay thế nó bằng dung dịch muối đẳng trương. Sau khi loại bỏ thủy dịch, bác sĩ có thể lột hoặc cắt bỏ sẹo trên võng mạc để võng mạc giãn ra và nằm sát thành sau mắt. Thủ thuật này chỉ được thực hiện ở giai đoạn V.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn

Ths.Bs Nguyễn Thị Thu Thủy

Tài liệu tham khảo:

http://nhidong.org.vn/cau-lac-bo-ba-me/gin-giu-anh-sang-cho-tre-sinh-non-benh-ly-vong-mac-o-tre-sinh-non-nhung-dieu-ca-c55-1274.aspx

http://benhvientinh.quangtri.gov.vn/vi/news/kien-thuc-y-khoa/benh-vong-mac-o-tre-sinh-non-426.html

http://vienyhocungdung.vn/benh-vong-mac-o-tre-sinh-non-nguyen-nhan-gay-mu-loa-o-tre-em-20160329151103645.htm

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN