Suy tim xảy ra khi hiệu quả bơm máu của cơ tim giảm sút. Nguyên nhân là do một số vấn đề như các động mạch bị thu hẹp (bệnh mạch vành) hoặc huyết áp cao khiến tim yếu dần hoặc cơ tim trở nên xơ cứng và cuối cùng không còn hoạt động hiệu quả. Nếu một đời người khoảng 80 - 90 năm thì trái tim phải đập hơn 3 tỷ lần. Và trái tim làm việc không ngừng nghỉ dẫn đến suy tim là điều khó tránh khỏi. Suy tim thường xảy ra ở người cao tuổi, và có thể hay bị nhẫm lẫn với những dấu hiệu của lão hóa, dẫn đến người bệnh dễ bỏ qua những dấu hiệu này.
Những dấu hiệu suy tim bạn không nên bỏ qua:
Để giúp cho cả bác sĩ và người bệnh sớm phát hiện ra các dấu hiệu suy tim, Hiệp hội Suy tim Hoa Kỳ (HFSA) đã ban hành hướng dẫn giúp nhận biết nhanh chóng được viết tắt là FACES:
Thứ nhất: Khó thở
Đây là triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân suy tim. Tuy nhiên khó thở cũng là biểu hiện của bệnh lý khác. Tuy nhiên, ở bệnh nhân suy tim, khó thở sẽ xuất hiện cả khi hít vào và thở ra. Còn khó thở do bệnh hen phế quản, chỉ xuất hiện khi thở ra là chính. Ở bệnh nhân suy tim, ứng với độ nặng của bệnh, các mức độ khó thở được phân loại như sau:
- Cấp độ 0: Không khó thở, ngay cả khi vận động gắng sức.
- Cấp độ 1: Khó thở khi gắng sức. Ví dụ: Bệnh nhân đi lên cầu thang tầng 1 thì không sao nhưng từ tầng thứ 2 trở đi thì thấy khó thở.
- Cấp độ 2: Khó thở khi không cần gắng sức, chỉ làm việc nhẹ cũng thở hổn hển. Ví dụ: chỉ bê chậu cây cũng thấy khó thở.
- Cấp độ 3: Làm những việc thường ngày như đánh răng, rửa mặt, cũng có biểu hiện khó thở.
- Cấp độ 4: Khó thở ngay cả khi không làm gì, kể cả lúc nằm nghỉ ngơi.
Thứ 2: Mệt mỏi.
Đây là biểu hiện khi tim không bơm đủ máu giàu oxy để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các cơ quan trong cơ thể, cảm giác mệt mỏi nói chung sẽ xuất hiện.
Thứ 3: Phù hoặc sưng mắt cá chân
Khi tim không còn đủ sức mạnh để thu hồi máu từ các chi dưới trở về tim, dịch cơ thể sẽ tích tụ ở mắt cá chân, cẳng chân, đùi và bụng. Hiện tượng này cũng khiến cho cân nặng tăng lên nhanh chóng.
Thứ 4: Cử động bị hạn chế
Những người bị suy tim thường mất khả năng thực hiện các hoạt động bình thường. Tình trạng suy tim khiến họ dễ cảm thấy mệt mỏi và khó thở.
Thứ 5: Ho khan
Các dịch bị ứ đọng, tắc nghẽn trong phổi có thể khiến người bệnh ho khan, khò khè và khó thở.
Chẩn đoán suy tim bằng cách nào?
Ngoài các xét nghiệm cận lâm sàng như Điện tâm đồ, X – quang ngực, người bệnh sẽ được thực hiện các xét nghiệm như:
Đầu tiên là siêu âm tim – đây là phương pháp xét nghiệm hình ảnh đơn giản, không xâm lấn, sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh tim trong khi đang đập. Nếu kết quả cho thấy tỷ lệ máu được tim tống đi thấp hơn bình thường khi tâm thất trái co lại thì khả năng cơ tim đã tổn thương là rất cao. Những dấu hiệu khác cho thấy suy tim bao gồm tình trạng thành cơ tim dày lên bất thường và van tim có vấn đề.
Xét nghiệm thứ hai trong việc xác định suy tim khởi phát sớm là tìm kiếm các chỉ dấu sinh học (biomarker) ở trong máu, chẳng hạn như natriuretic peptide loại B. Những chỉ dấu này báo hiệu rằng tim đang hoạt động quá sức và cần được hỗ trợ, giúp đỡ.
Sau khi chẩn đoán ban đầu được xác nhận, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến suy tim. Dựa vào đó, họ sẽ xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
___ ___
BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÀI GÒN HÀ TĨNH
Hotline: 0946225115