Tăng huyết áp - 'Kẻ giết người thầm lặng'

Tăng huyết áp - 'Kẻ giết người thầm lặng'

Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý ngày càng phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới và hội Tăng huyết áp quốc tế đã thống nhất gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg.

Nghiên cứu THA quốc gia tại Việt Nam năm 2008 báo cáo tỷ lệ bị tăng huyết áp ở ngưởi trưởng thành trên 25 tuổi ở nước ta là 25,1%. Như vậy, tính trung bình trong mỗi gia đình Việt Nam cứ 4 người trưởng thành sẽ có ít nhất 1 người bị tăng huyết áp.

Có thể nói, THA là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm tháng mà không có triệu chứng gì. Điều này khiến cho rất nhiều bệnh nhân bị THA mà không biết mình bị bệnh, hoặc biết bị bệnh nhưng vẫn có thái độ chủ quan không điều trị vì cảm thấy “cơ thể vẫn bình thường”. Khi triệu chứng bắt đầu xuất hiện, đó thường là biểu hiện giai đoạn muộn khi đã có các biến chứng. THA gây ra các biến chứng nặng nề tại các cơ quan bao gồm: tim, mạch máu, não, thận và các cơ quan khác.

Tại tim, THA gây phì đại thất trái, suy tim, bệnh động mạch vành (nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực), rối loạn nhịp tim. Đây đều là các bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao.

Tại các mạch máu, THA gây phình tách động mạch chủ (có thể gây đột tử nếu mạch máu bị vỡ đột ngột), bệnh động mạch chi dưới gây đau cách hồi ở bắp chân khi đi lại (có thể hoại tử bàn chân, phải cắt cụt chân).

Tại não, THA gây đột quỵ não, cả 2 thể gồm tắc mạch máu não (nhồi máu não) hoặc vỡ mạch máu não (xuất huyết não). Cả 2 thể bệnh đều đe doạ tính mạng người bệnh, có thể gây tàn phế suốt đời.

Tại thận, THA giai đoạn đầu gây tiểu đêm, có protein trong nước tiểu. Nặng hơn, THA gây suy thận ở các mức độ, thậm chí phải lọc máu chu kỳ.

Hình ảnh minh họa bệnh nhâ đeo máy Holter huyết áp 24 giờ

Bởi vậy, việc chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị tốt THA rất quan trọng. Việc chẩn đoán sớm THA chủ yếu dựa vào đo huyết áp khi khám sàng lọc định kỳ hàng năm cho tất cả người trưởng thành tuổi trung niên trở lên, đặc biệt các bệnh nhân thuộc nhóm có nguy cơ của bệnh như: đái tháo đường, bệnh lý thận, hút thuốc lá nhiều, tiền sử gia đình có bệnh tim mạch,... Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh nhân bị THA áo choàng trắng (huyết áp bị tăng lên nhất thời do tâm lý bệnh nhân khi tiếp xúc với nhân viên y tế), hoặc huyết áp dao động tại nhiều lần thăm khám, gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh nhân có thực sự THA hay không. Khi đó, việc chỉ định đeo máy theo dõi huyết áp tự động tại nhà (Holter huyết áp 24 giờ) là cần thiết giúp chẩn đoán cho các bệnh nhân kể trên. Tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chúng tôi đã triển khai theo dõi Holter huyết áp 24 giờ trong nhiều năm qua, giúp chẩn đoán sớm và chính xác cho bệnh nhân.

Các xét nghiệm cơ bản cần làm cho một bệnh nhân tăng huyết áp bao gồm: điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp X-quang tim phổi, xét nghiệm máu cơ bản, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm bụng, siêu âm động mạch thận, động mạch cảnh. Ngoài ra, với các trường hợp nghi ngờ có nguyên nhân gây THA, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các thăm dò chuyên sâu hơn. Nếu THA được xác định là vô căn (không có nguyên nhân), bệnh nhân cần thay đổi lối sống và dùng thuốc suốt đời để kiểm soát huyết áp.

Mục tiêu kiểm soát huyết áp được coi đạt yêu cầu với phần lớn các bệnh nhân là huyết áp tâm thu dưới 140 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg. Một số bệnh nhân có các bệnh lý đi kèm thuộc nhóm nguy cơ cao có thể cần mức huyết áp mục tiêu thấp hơn con số trên. Ngược lại, với các bệnh nhân rất cao tuổi, không thuộc nhóm nguy cơ cao, huyết áp mục tiêu có thể chấp nhận được ở mức cao hơn, dưới 150/90 mmHg. Nếu được kiểm soát tốt huyết áp, người bệnh hoàn toàn có thể kéo dài tuổi thọ như người không bị tăng huyết áp.

 _____

Theo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN